Sách hay

Sách hay: Thay đổi thói quen - Thay đổi cuộc đời, 17 Cách để xây dựng sự nghiệp Kinh doanh của bạn với một cuốn Sách, Bí mật thực sự Internet Marketing, ...

Chia sẻ - Nghệ thuật Viết sách và Thành công

Đây là một mẹo tiếp thị, sẽ cung cấp cho bạn một lợi thế cạnh tranh tuyệt đối trong nền kinh tế mới...

Đào tạo - Nghệ thuật Viết sách và Thành công

Viết một cuốn sách - đáp ứng nhu cầu, ham muốn và giải quyết các vấn đề cho thị trường của bạn và bạn sẽ được chào đón với vòng tay rộng mở từ các khách hàng tiềm năng của bạn...

Coach - Nghệ thuật Viết sách theo Mục đích Đúng

Coach - Nghệ thuật Viết sách theo Mục đích Đúng chia sẻ giải pháp để bạn hoàn thành quyển sách của mình với Tư tưởng cao cấp nhất có thể...

Tư vấn - Cố vấn Viết sách

Tư vấn - Cố vấn Viết sách vói Quy trình Viết sách Cải tiến (Improved Writing Proccess - iWriting) mang đến cho bạn giải pháp hiệu quả để viết nên quyển sách của mình...

Sunday, November 3, 2019

Vợ chồng Obama trở nên giàu có nhờ viết sách như thế nào?


Vợ chồng Obama trở nên giàu có nhờ viết sách như thế nào?

Việc ra mắt cuốn hồi ký "Becoming" của Michelle Obama chỉ là dấu mốc mới nhất trên con đường dẫn đến sự giàu có cho vợ chồng Obama.

Ngoài khoản tiền trị giá 65 triệu USD từ bản quyền xuất bản hai cuốn hồi ký của Barack Obama và Michelle Obama (tương đương 1,5 nghìn tỷ đồng), một thỏa thuận trị giá 50 triệu USD với Netflix, cả hai đều sẵn sàng cho những chuyến quảng bá cuốn hồi ký.

Kiếm cả trăm triệu USD nhờ viết sách

Giống như chồng của mình, Michelle Obama đang trở thành một diễn giả được ưa thích cho các tập đoàn và tổ chức phi lợi nhuận, với giá 225.000 USD cho mỗi lần xuất hiện.
Forbes ước tính hai vợ chồng kiếm được 20,5 triệu USD tiền lương và tiền bản quyền từ năm 2005 - khi Barack Obama trở thành thượng nghị sĩ. Hiện, giá trị tài sản của họ lên đến 135 triệu USD. Con số này chưa bao gồm tiền mặt nhận được cho những lần diễn thuyết trước công chúng.

Cựu Tổng thống Barack Obama và vợ nhận 65 triệu USD bản quyền xuất bản hai cuốn hồi ký. 

Hiện thù lao cho mỗi bài phát biểu của Barack Obama rơi vào khoảng  400.000 USD, ông kiếm được ít nhất 1,2 triệu USD cho ba cuộc nói chuyện với các công ty ở Phố Wall vào năm 2017. Khoản thu nhập này cao hơn mức lương hưu hàng năm trị giá 207.800 USD của ông.
Nhiều tháng sau khi rời khỏi Nhà Trắng, cựu tổng thống Mỹ đã đồng ý phát biểu tại một hội nghị chăm sóc sức khỏe do công ty dịch vụ tài chính Cantor Fitzgerald tổ chức. Ông còn kiếm được 800.000 USD với hai bài phát biểu cho Northern Trust Corp và Carlyle Group.
Becoming mới phát hành và đang hứa hẹn trở thành cuốn sách bán chạy toàn cầu. Theo NXB Penguin Random House, cuốn hồi ký ngoài ra mắt tại Mỹ, còn được phát hành tại Australia, Ireland, Nam Phi, Anh, Ấn Độ, New Zealand. Nó cũng được xuất bản bằng 25 ngôn ngữ trên toàn thế giới. Cuốn hồi ký được lựa chọn bởi Câu lạc bộ sách của Oprah Winfrey - một thương hiệu, màng lọc chọn sách đã đưa nhiều tác giả đến thẳng danh hiệu sách best-seller.
Gia đình Obama có chuyến lưu diễn tại 10 thành phố của nước Mỹ để quảng bá cuốn sách. Vé cho cuộc trò chuyện với Michelle tại các địa điểm trên khắp nước Mỹ cũng đang trở thành mặt hàng nóng được quan tâm. Địa điểm tổ chức các sự kiện này đều có sức chứa lớn (như sự kiện tại Capital One Arena ở Whashington có sức chứa hơn 20.000 người). Trong đó, giá vé rẻ nhất là 303 USD. Thậm chí vé cho sự kiện ở Boston dao động từ 495-1.000 USD.
Theo Forbes, ông Obama từng xuất bản vài cuốn sách, và kiếm được khoảng 8,8 triệu USD cho cuốn The Audacity of Hope xuất bản năm 2006 và một cuốn sách dành cho trẻ em vào năm 2010. Ông cũng kiếm khoảng 7 triệu USD từ cuốn Dreams from My Father.
Số tiền mà vợ chồng ông Obama kiếm được từ viết hồi ký lớn hơn hẳn hồi ký của các chính trị gia khác. Trước đó, cựu Tổng thống Bill Clinton có 15 triệu USD cho hồi ký My Life (năm 2004), Hillary Clinton có 11,5 triệu USD cho cuốn hồi ký gần đây nhất - Hard Choice (năm 2014). Sau này, thu nhập của cặp vợ chồng Clinton từ hồi ký tăng lên 36,5 triệu USD. Tuy nhiên, con số này chỉ bằng một nửa số tiền mà đơn vị xuất bản ứng trước cho hồi ký của vợ chồng Obama.
Becoming vừa ra mắt đã là sách bán chạy nhất 2018
Vừa ra mắt được một tuần, cuốn hồi ký của Michelle Obama đã trở thành một hiện tượng phát hành. Ngay trong lần phát hành đầu tiên, đã có ba triệu bản in. Bên cạnh đó, sách đã có hợp đồng xuất bản tại khoảng 30 quốc gia.
Trong tuần đầu ra mắt, hồi ký của Michelle có lượng phát hành tốt hơn bất kỳ cuốn sách dành cho người lớn nào tại Mỹ kể từ khi Go set a Watchman của Harper Lee ra mắt năm 2015.

Hồi ký của Michelle Obama có tuần đầu bán hàng thành công ngoài mong đợi. 

“Chúng tôi biết Becoming sẽ là một trong những cuốn sách bán nhiều nhất năm, nhưng giờ đây, tuần bán hàng đầu tiên của cuốn sách tốt hơn bất cứ cuốn sách nào trong năm 2018, và là một trong những cuốn bán nhanh nhất trong lịch sử nhà phát hành Barnes & Noble”, Liz Harwell - giám đốc bán hàng của Barnes & Noble nói.
Theo số liệu của NXB Penguin Random House, Becoming bán được hơn 725.000 bản trong ngày đầu tiên phát hành. Con số đó bao gồm tất cả định dạng và phiên bản tiếng Tây Ban Nha.
Không chỉ có Becoming mới phát hành đã tạo thành hiện tượng, cuốn hồi ký của Barack Obama cũng hứa hẹn sẽ đạt doanh số bán hàng lớn. Thông thường, các đơn vị xuất bản của Mỹ sẽ trả nhuận bút cho tác giả vào khoảng 10% giá bìa sách nhân với số bản sách đã bán ra. Nhà xuất bản sẽ ước tính số bản sách mà họ đầu tư sẽ tiêu thụ được khoảng bao nhiêu bản trên thị trường, căn cứ chi phí sản xuất, định giá cho sách, dựa vào đó, họ mới có thể đưa ra mức tác quyền trả cho tác giả.
Đối với hợp đồng trị giá 65 triệu USD cho hồi ký của vợ chồng Obama, đơn vị xuất bản có thể sẽ cần bán ít nhất vài triệu bản sách mới có lợi nhuận. Trong ngành công nghiệp xuất bản Mỹ, một cuốn sách bán được 100.000 bản đã được coi là cuốn sách bán chạy, được gắn mác best-seller. Để thấy được độ ăn khách của hồi ký nhà Obama, có thể làm phép so sánh, cuốn sách bán chạy nhất năm 2014 bán được 573.000 bản (không bằng số sách Becoming bán ra trong ngày đầu phát hành).
Tuy vậy, sách của vợ chồng Obama còn được kỳ vọng nhiều hơn thế. Trong ngành sách, một cuốn sách long-seller (bán được trong thời gian dài) sẽ thành công hơn một cuốn sách best-seller thực sự rực rỡ trong một năm trước khi biến mất khỏi các hiệu sách.
Một cuốn sách của Barack Obama đã phát hành. Ông được đánh giá là tác giả của những cuốn sách chất lượng, bán chạy lâu dài. 


Có nhiều lý do để kỳ vọng sách của vợ chồng Obama bán được trong thời gian dài. Michelle Obama ít được biết đến như một tác giả hơn Barack Obama, nhưng bà vẫn nổi tiếng và dễ dàng trở thành một tác giả với lượng phát hành đáng kinh ngạc. Với Barack Obama, trước khi trở thành tổng thống, những cuốn sách của ông không chỉ giúp Obama củng cố địa vị, mà còn được đánh giá là sách có chất lượng. Nhà phê bình Michiko Kakutani coi Barack Obama là “chính trị gia hiếm hoi có thể viết” với giọng văn dễ hiểu, có khả năng chứa đựng mọi thứ từ những cuộc thảo luận dày đặc về chính sách đối ngoại đến những hồi tưởng, ý kiến về hiến pháp…
Điều đó có nghĩa, một cuốn sách của Barack Obama không chỉ là cuốn hồi ký của tổng thống. Nó không chỉ là hồi ký một cựu tổng thống da đen đầu tiên của Mỹ, mà còn là “cuốn sách hay” với nhiều kiến thức lịch sử, văn học, và nó được kỳ vọng sẽ trở thành cuốn sách kinh điển.

Saturday, November 2, 2019

Người tị nạn viết sách bằng điện thoại đoạt giải thưởng 90.000 USD


Người tị nạn viết sách bằng điện thoại đoạt giải thưởng 90.000 USD
TTO - Một người Iran bị giam giữ tại trại tị nạn của Úc vừa giành được giải thưởng văn chương có giá trị lớn nhất nước này, nhưng lại không thể tham dự lễ trao thưởng.

Anh Behrouz Boochani - Ảnh: NEW YORK TIMES

Theo báo New York Times, anh Behrouz Boochani, một nhà văn, nhà báo kiêm nhà làm phim người Iran đã bị tạm giữ tại trại tị nạn trên đảo Manus của Papua New Guinea hơn 5 năm qua.
Cuốn sách của anh Behrouz Boochani có tên No friend but the mountains (tạm dịch: Không ai bạn bè ngoài những dãy núi) vừa đoạt Giải thưởng văn chương bang Victoria năm 2019, giải thưởng văn chương có giá trị lớn nhất của Úc (125.000 đô la Úc, tương đương 90.000 USD).
Anh Boochani từng trốn chạy khỏi Iran sau khi cảnh sát bắt giữ nhiều đồng nghiệp làm báo và lục soát văn phòng làm việc của anh này. Trong lúc đang trên đường vượt biên vào Úc, anh bị hải quân nước này bắt giữ và năm 2013 bị đưa tới sống ở trại tị nạn của Úc trên đảo Manus.
Kể từ đó tới nay, anh vẫn thường xuyên viết báo cho nhiều hãng thông tấn, báo chí ở địa phương và quốc tế.
Trong cuốn sách, anh kể lại những trải nghiệm của mình tại nơi bị giam giữ. Cuốn sách được anh viết trên điện thoại di động trong 5 năm bằng tiếng Ba Tư (ngôn ngữ mẹ đẻ của anh Behrouz Boochani).
Anh viết qua ứng dụng nhắn tin WhatsApp và gửi lần lượt từng chương cho người dịch tác phẩm sang tiếng Anh là anh Omid Tofighian.
Anh Boochani đã viết sách qua ứng dụng WhatsApp vì vào thời điểm đó, những người canh gác ở trại tị nạn luôn lục soát phòng ở của những người bị giam giữ và tịch thu điện thoại của họ. "Tôi sợ là nếu họ xông vào phòng mình, họ sẽ sẽ lấy tài sản của tôi", anh kể.
Trong tối 31-1, dịch giả Omid Tofighian đã đại diện cho tác giả Behrouz Boochani nhận giải thưởng lớn ở thành phố Melbourne.
Chia sẻ cảm xúc qua điện thoại sau khi biết tin, anh Boochani cho biết giải thưởng mang lại những cảm xúc trái ngược cho anh.
Một mặt anh rất hạnh phúc vì đó là thành tựu lớn với anh và với những người tị nạn, nhưng mặt khác anh rất buồn khi tiếp tục chứng kiến cảnh sống nhiều cơ cực của những người tị nạn trên đảo Manus.
Luật nhập cư của Úc quy định những người vượt biên bằng đường biển sẽ bị cấm nhập cảnh vào nước này. Kể từ năm 2013 hơn 3.000 người tị nạn đã bị đưa tới các trung tâm giam giữ của Úc trên đảo Manus của Papua New Guinea và CH Nauru.

D. KIM THOA

Friday, November 1, 2019

Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ cuối: Lá diêu bông và vị đắng tình yêu


Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ cuối: Lá diêu bông và vị đắng tình yêu
TTO - Bút danh Hoàng Cầm của nhà thơ Bùi Tằng Việt là tên của một loại thuốc đắng như mật. Mối tình đầu của ông với người con gái hơn ông 8 tuổi cũng đơn phương, lãng mạn và cay đắng.



Đêm thơ Hoàng Cầm ở Bắc Ninh - Ảnh VŨ TUẤN chụp lại

Chúng tôi tiếc vì không còn gặp được Hoàng Cầm để hỏi về sự trùng hợp lạ kỳ của những vị đắng. Vị đắng của tình yêu đơn phương, vị đắng của đời sau khi bài thơ ông gặp sóng gió thời cuộc và vị đắng của chiếc lá yêu năm xưa.
 Tìm về chốn kỷ niệm trong thơ ông, để biết rằng chiếc lá diêu bông đi tìm cũng có vị đắng ngắt...
"Tôi đa tình từ bé"
Sau cái bắt tay thật chặt, ông Dương Đình Chiến thoảng buồn tâm sự về nhà thơ Hoàng Cầm. Là cán bộ nghỉ hưu, ông Chiến đồng hương Bắc Ninh với nhà thơ Hoàng Cầm. Ông rất mê thơ, nhất là thơ bạn mình.
Ngày còn làm việc ở Bắc Ninh, ông Chiến đã hỗ trợ Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức đêm thơ Hoàng Cầm. Nhà thơ đến nghe lại thơ mình và trút bầu tâm sự về những bài thơ đi cùng năm tháng. Đêm ấy, ông Chiến và cụ Hoàng Cầm ở chung phòng. Nhà thơ thổ lộ bài thơ Lá diêu bông lãng mạn của mình cũng là mối tình đầu đẹp nhất, ám ảnh nhất và bị sóng gió nhiều nhất... 
Kể đến đây, chợt ông Chiến im lặng. Cả căn phòng chỉ còn nghe tiếng quạt khe khẽ thổi. Mãi sau, ông mới nghèn nghẹn kể tiếp: "Ông Cầm bảo với tôi: Tao yêu chị ấy thật, mãi sau này tao vẫn không thể quên".
Hoàng Cầm tự nhận mình đa tình từ nhỏ với mối tình đầu tiên chính là người con gái trong bài thơ Lá diêu bông, hơn ông 8 tuổi. Năm ấy, một lần về thăm nhà ở phố ga Như Thiết, Bắc Giang, Hoàng Cầm nhìn thấy một người con gái đang dọn hàng ở bên kia đường, chênh chếch nhà ông. 
Cô gái mặc một chiếc váy Đình Bảng (váy dài, tà xòe rộng, buông chùng như chiếc võng), dáng người thắt đáy lưng ong. Khi cô quay mặt khiến nhà thơ bị choáng ngợp. Nắng thu vàng soi nghiêng càng tôn thêm vẻ đẹp của người con gái khiến cậu bé phải lòng.
Sau này Hoàng Cầm mới biết chị tên Vinh, con một nhà giáo ở huyện Tiên Du (Bắc Ninh) mới chuyển nhà đến phố ga Như Thiết. "Vì đa tình từ bé nên trừ lúc đi học, còn khi ở nhà thì tao đều có mặt bên chị. Chị đi giặt, tao cũng theo ra sông..." - ông Chiến kể lại lời bạn.
Một buổi chiều, Hoàng Cầm theo chị Vinh ra cánh đồng sau nhà. Tháng 10, lúa đã gặt chỉ còn trơ gốc rạ. Cô gái lúi húi tìm một thứ lá cây mọc ở gò đất. Cậu bé đa tình ngày ấy cũng tìm hộ chị. Lá ấy tên gì chị có nói, nhưng ông quên mất. Ông chỉ nhớ chị bảo lấy lá cây ấy giã đắp mặt cho da đẹp. Lúc về, chị dắt tay ông đi trên bờ ruộng.
"Tao cảm thấy như có điện truyền sang" - nhà thơ kể lại cho ông Chiến.
Đến năm 12 tuổi, một ngày cuối tuần trở về nhà như thường lệ, Hoàng Cầm không thấy chị Vinh đâu. Mẹ bảo chị đã đi lấy chồng, làm lẽ cho một quản lính khố xanh ở Phủ Lý, Hà Nam. Giây phút ấy Hoàng Cầm đã bật khóc. Ông kể lại mình khóc như đứa trẻ bị mẹ mắng, khiến mẹ phải bảo ông đi rửa mặt, kẻo bố về phát hiện chuyện thằng con... yêu sớm.
Kể từ ngày ấy ông không còn gặp cô gái mình trộm thương bên nhà nữa. Và hơn 20 năm sau, trong một đêm mơ kỷ niệm cũ, Hoàng Cầm đã viết bài thơ Lá diêu bông. Hoàng Cầm luôn có một xấp giấy và cây bút đặt trên đầu giường. 
Nhiều bài thơ của ông được viết trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê. Bất cứ khi nào ông chợt tỉnh giấc, thậm chí đang nửa tỉnh nửa mê ông cũng viết ra. Ngay cả kiệt tác Bên kia sông Đuống cũng được ông viết trong trạng thái xuất thần như vậy.
Lá diêu bông được nhà thơ giải thích rằng đó là lá của hoa phiêu diêu, hoa trong mộng tưởng. Tình yêu luôn đẹp và phiêu diêu như vậy. Ông Chiến khẳng định rằng nhà thơ thổ lộ với mình không hề có ý "chơi chữ" về cái tên "diêu bông" mà vì lúc chập chờn giữa giấc mơ, ông nghe lời người phụ nữ năm xưa gọi chiếc lá như vậy.

Xóm ga Như Thiết, nơi Hoàng Cầm yêu cô gái, nay đã đổi thay nhiều - Ảnh: VŨ TUẤN

Sự thật "Lá diêu bông"
Dù vẫn biết Lá diêu bông là cái tên đầy ẩn ý của Hoàng Cầm, chúng tôi vẫn muốn biết chiếc lá năm xưa ông với người trong mộng đi tìm là lá gì? Dạo bước ra bờ sông nhỏ phía sau phố ga trong tiết tháng 10, đúng vào quãng thời gian cậu bé đa tình năm xưa cùng cô gái ra đồng tìm lá. Nắng thu vẫn vàng vọt phủ lên gốc rạ xiêu vẹo.
Bà Nguyễn Thanh Hưởng, một công nhân nghỉ hưu sống trong khu tập thể ngay cạnh ga Như Thiết ngày xưa, bất ngờ khoe: "Lá cây mọc ở gò đất, làm đẹp da hả? Có đấy! Cô dùng từ khi con gái cô còn bé, da nó đẹp nhất vùng này!". Chuyện bất ngờ khiến chúng tôi như người tìm lại được của bị rơi. 
"Con gái tôi lấy chồng rồi, nay 37 tuổi, hai con. Con nó cũng dùng lá ấy. Lần nào về quê, tôi cũng hái lá cho nó. Đứa trẻ nào dùng loại lá ấy không bao giờ sợ mụn nhọt, ngứa ngáy hay sài đẹn gì. Lớn lên da trắng như trứng gà bóc... Nhưng cây ấy... tên là gì ấy nhỉ?", trí nhớ của người phụ nữ ngoài 60 khiến một lần nữa chúng tôi phải đi tìm.
Câu chuyện bị cắt ngang bởi một chuyến tàu sầm sập chạy qua. Bà Tứ, một người đã sống ở đây từ năm 1973, nhớ lại thứ cây mọc hoang mà dân vùng vẫn truyền tai nhau trị mẩn ngứa, làm mịn da. Cây ấy lá to cỡ ba ngón tay, nhỏ hơn nhưng thẫm màu hơn lá cây "mật gấu" (cây hoàng đằng) - loài cây lá có vị đắng, người dân Như Thiết trồng làm rau. 
"Đó là cây bọ mẩy, vùng khác gọi là cây đắng cẩy, vì nó rất đắng!" - bà Tứ kể thêm ngày trước vùng này mọc rất nhiều. Nhưng khoảng những năm 1990, nhiều người thu mua, đào cả rễ cây lên bán. Lâu lắm rồi, vùng này rất hiếm gặp cây nào như thế.
Hồi mới chuyển về đây làm công nhân, bà Tứ cũng theo ra đồng hái cây đó về đun nước tắm. Nghe các cụ già kể ngày xưa còn hái lá bánh tẻ (lá non vừa phải) về giã nát đắp lên mặt vừa mát, vừa trị mụn, làm căng mịn da. 
Các gò đất trong vùng có rất nhiều, ngay bên đường tàu ngày ấy cây mọc thành bụi. Nhưng từ ngày có người thu mua làm thuốc, loại cây này hiếm dần. Con gái bây giờ thì dùng mỹ phẩm chứ không còn lấy lá làm thuốc như xưa nữa.
Bạn thân tôi quê ở Thanh Hóa từng quả quyết rằng ở một vùng hẻo lánh thuộc huyện Bá Thước, người Mường lấy một thứ lá trên vách núi để làm bùa yêu chiếm trọn trái tim người thương. Hay nhạc sĩ Trần Tiến, người đã phổ bài thơ Lá diêu bông thành bài hát Sao em nỡ vội lấy chồng, cũng kể chuyện người sơn cước Phong Thổ (Lai Châu) có một thứ lá để làm bùa yêu như vậy...
Còn "lá diêu bông" của Hoàng Cầm? Sự thật hay chỉ là chiếc lá trong giấc mơ nhà thơ si tình thì đều có vị ngọt ngào lẫn đắng ngắt của tình yêu mộng tưởng đơn phương, chỉ có thể thành trong... những giấc mơ.

Thursday, October 31, 2019

Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ 9: Có đến 3 Chí Phèo, 2 Thị Nở ngoài đời


Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ 9: Có đến 3 Chí Phèo, 2 Thị Nở ngoài đời
TTO - Nam Cao viết truyện Chí Phèo từ nhiều con người thật sống ở làng Đại Hoàng. Dù pha quyện hư cấu, đổi tên nhân vật, tên làng, nhưng ngòi bút hiện thực của nhà văn tài hoa vẫn làm cho người làng biết chắc viết về ai...


Bà Trần Thị Hồng và cuốn sách viết về người cha Nam Cao - Ảnh: THÁI LỘC


Những nhân vật trong tác phẩm của cha tôi đều là các nguyên mẫu ở ngay trong gia đình, trong xóm ngoài làng, gần gũi thân thương với cha tôi.
Bà TRẦN THỊ HỒNG
Làng thực của Chí Phèo
Ghé làng Đại Hoàng (Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam, bối cảnh làng Vũ Đại trong truyện Chí Phèo) giữa trưa nắng gắt, tôi theo tấm biển chỉ đường tìm đến nhà Bá Kiến trong một con hẻm.
"Nhà Bá Kiến" trong tưởng tượng nguy nga lắm, nhưng xem ra chỉ ngang ngôi nhà nông thôn bậc trung ngày nay. Người giữ nhà Trần Thị Hương cho hay đây là nhà xưa của ông nghị Bính - nguyên mẫu Bá Kiến trong truyện Chí Phèo, được ngành văn hóa Nam Định mua lại giao chị trông nom.
Mộ nhà văn Nam Cao hướng ra cái ao rộng ven đường tỉnh 972, xây bằng đá, gắn di ảnh và khắc hai đoạn trích "quan niệm sáng tác".
Ông Trần Hữu Vịnh, 70 tuổi, giới thiệu về người chú họ mình: "Cái tài của Nam Cao là viết rất thật và sinh động về những câu chuyện có thật ở làng Đại Hoàng này, không bôi đen, tô hồng".
Ông nói tiếc lắm cái lò gạch cũ vốn là nơi ở của Chí Phèo đã bị phá vào năm 1962 vì nằm ngay sát đường lớn và cạnh mặt nước Châu Giang...
Quay sang tôi, ông Vịnh khoe làng mình sở hữu hai đặc sản lừng danh: cá kho và chuối ngự. Giống chuối nổi tiếng của làng càng trở nên đặc biệt nếu trong khu vườn nơi đặt mộ nhà văn, vốn là vườn xưa của nguyên mẫu Lão Hạc.
Rồi ông thao thao về món cá kho Đại Hoàng, rằng cũng do làng xưa nghèo khó, người làng làm lụng vất vả quanh năm mà chưa đủ cái ăn. Tết đến, chẳng có gì ngoài cá trong ao, vậy là người làng chế biến sao cho đặc biệt, vừa để dâng cúng tổ tiên, vừa để con cháu hưởng lộc dài ngày.
Trong sự tự hào, ông mách nước bí quyết kho cá rất đặc biệt được truyền nối bao đời: cá trắm đen thả ao nhiều năm để nguyên vảy, cắt khúc, ướp với nước chanh tươi cô đặc lẫn riềng, gừng và nước mắm cua đồng...
Sau gần một ngày đêm kho liu riu trên bếp, miếng cá ngả vàng, săn chắc, xương giòn tan, ăn không chừa thứ gì...
"Cha nghe mẹ tôi kể lại"
Lần theo chỉ dẫn của ông Vịnh, chúng tôi ngược lên Hà Nội tìm đến bà Trần Thị Hồng, người con gái đầu của cố nhà văn Nam Cao sống trong hẻm phố Minh Khai (Q.Đống Đa). Bà nói rất tự hào về tài năng nhưng ngậm ngùi về sự khốn khó một thời của cha.
Mẹ lấy cha 18 năm thì qua đời, có năm mặt con. Cha đi công tác suốt năm, lâu lâu mới về, ở ít hôm rồi lại đi nên sống cùng vợ con rất ít. Người con gái thứ ba qua đời ít lâu nhà văn mới biết. Ngay người con trai út Trần Hữu Thực cũng chưa từng gặp mặt cha.
Nhà văn - liệt sĩ Nam Cao hi sinh năm 1951, khi bà Hồng 13 tuổi. Bà may mắn được sống cùng mẹ Trần Thị Sen cho đến khi mẹ mất vào năm 2002, nên được nghe kể rất nhiều chuyện xưa về cha, cả đời sống riêng tư lẫn ngóc ngách các tác phẩm.
Nhờ vậy, bà viết nên sách Chuyện chưa biết về nhà văn Nam Cao với rất nhiều câu chuyện hấp dẫn, lý thú.
Bà cho biết: "Mỗi khi đọc những tác phẩm cha viết, tôi cứ hình dung rõ từng con người một sống ở làng mình, từ ông bà, chú bác, cô dì, hàng xóm, bản thân cha, mẹ, và cả tôi ở trong đó nữa...".
Bà Hồng khẳng định nhân vật ông giáo Thứ và Liên chính là cha và mẹ trong truyện Sống mòn. Truyện Mua nhà cha viết chuyện thật của chính mình, mua của ông Luân, bán do vợ chết và hai người con đang ốm.
Còn Lão Hạc là cụ trùm Duyên, một hàng xóm của "ông giáo" - chính là nhà văn. Truyện Dì Hảo thì nhân vật chính là bà Thảo, vợ ông quản Phượng trong làng. Riêng truyện Quét nhà, nhà văn viết về chính bà Hồng lúc 5 tuổi.
Ngoài thay tên đổi họ hay hư cấu vài chi tiết, rất nhiều nhân vật được nhà văn giữ nguyên tên tuổi lẫn sự việc, tính cách khi viết.
Tôi nêu thắc mắc nhà văn ít ở quê, làm sao bê cả hiện thực của làng Đại Hoàng vào truyện như thế được?
"Cha nghe mẹ tôi kể lại. Cha tôi không mấy khi ở làng, nhưng hằng năm cũng có kỳ nghỉ, về nhà ít bữa hoặc có khi vài tháng. Mẹ tôi sống ở quê nên nắm bắt được rất nhiều chuyện, kể lại cho cha tôi nghe" - bà Hồng trả lời ngay.

Khu nhà được viết là của Bá Kiến - Ảnh: THÁI LỘC

3 Chí Phèo, 2 Thị Nở
Nhiều người dân Đại Hoàng vẫn còn kể vanh vách về những con người thật được đưa vào truyện Chí Phèo. Rằng Chí Phèo là sự "tổng hợp" của ba người đàn ông, Thị Nở dựa trên hai người phụ nữ.
Bà Hồng khẳng định: "Trong ba người mà cha tôi chọn để xây dựng nhân vật Chí Phèo thì hai ông vẫn sống ở làng cho tới lúc già mới mất, ông còn lại đi biệt tích chứ không đâm chém với Bá Kiến như cha tôi viết".
Theo đó, làng xưa có người tên Chí, mổ lợn giúp người ta không đòi tiền mà chỉ xin phèo và rượu nhấm nháp. Khi say lảo đảo, ông không "rạch mặt ăn vạ" mà thường tìm lều chợ để ngủ, hễ ai hỏi đi đâu thì ông luôn nói "đi phèo", ý là đi ngủ. Do vậy, người làng gọi luôn tên Chí Phèo.
Ông Chí không lấy vợ, nhưng khoảng cuối thập niên 1930 thì có với bà bán trứng trong làng một người con trai đặt tên Rụ, có vợ và sinh hai con gái. Ông Chí về sau bỏ làng biệt xứ.
Người thứ hai tên là Trinh, vốn là đứa trẻ được nhặt từ cái lò gạch trong làng, có vợ và đàn con. Người này "uống rượu nhiều như người ta uống nước, mỗi khi say thường chửi trời, chửi mọi người và ăn vạ".
Người thứ ba tên Đào, chính là lực điền đi ở cho ông chánh Bính ở làng. Đào từ thanh niên hiền lành, sau khi bị tù, trở về làng sa vào rượu chè và tính tình ngỗ ngược.
Về hai nguyên mẫu Thị Nở, người thứ nhất đúng tên Trần Thị Nở, nhà văn gọi là mợ.
"Bà Nở là con một ông chuyên đóng cối xay thóc trong làng, bề ngoài xấu xí, tính tình dở hơi, vô tâm và dễ ngủ; sau khi lấy ông trùm Đào thì trở thành mợ của cha tôi" - bà Hồng kể.
Người thứ hai là Trần Thị Thìn: "Cô Thìn mặt ngắn, mũi to, da sần sùi, vừa xấu vừa dở tính nên không lấy được chồng, bị bệnh mất năm 1960".
Riêng về ông chánh tổng Trần Duy Bính - nguyên mẫu Bá Kiến - còn sống đến sau năm 1945, về sau có nhiều con cháu tham gia kháng chiến hoặc thành đạt ở nhiều nơi...
Được biết, tại làng Đại Hoàng, ông Rụ, con trai của ông Chí, khi qua đời để lại hai người con gái. Một người đi lấy chồng xa, một người hiện có chồng con sống ở làng.
Tôi hỏi đường tìm đến nhà người này thì tất cả đều khuyên nên bỏ ý định vì là chuyện tế nhị, có đến cũng không cho gặp, thậm chí có thể mắc phiền toái. Theo lời ông Trần Hữu Vịnh: "Dù có thật đi nữa, nhưng ai lại đi nhận mình là con cháu Chí Phèo bao giờ".
Bút danh Hoàng Cầm của nhà thơ Bùi Tằng Việt là tên loại thuốc đắng như mật. Tìm về chốn xưa trong thơ, chiếc lá diêu bông mà người con gái ấy đã tìm cũng có vị đắng ngắt...


THÁI LỘC

Wednesday, October 30, 2019

Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ 8: Về vườn xưa Tự Lực văn đoàn


Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ 8: Về vườn xưa Tự Lực văn đoàn
TTO - Mái nhà rêu phong, hoang lạnh giữa mảnh vườn um tùm cây cối đang là nơi thờ các nhà văn Tự Lực văn đoàn. Nơi ấy vẫn vẳng tiếng xình xịch những chuyến tàu đến rồi đi và 'Hai đứa trẻ' đầy hoài niệm của Thạch Lam...

Cụ Nguyễn Thanh Đạm và khu vườn xưa hoang tàn của Tự Lực văn đoàn - Ảnh: THÁI LỘC

Tôi biết khu vườn của mình rất đặc biệt, gắn liền với dòng văn học nổi tiếng của đất nước. Tôi đã 92 tuổi, mười năm nay phải rời nó để về ở với con cháu nên buộc để hoang tàn, xót lắm mà đành chịu.
Cụ Nguyễn Thanh Đạm
Vườn xưa hoang lạnh
Vườn xưa Tự Lực văn đoàn, cửa khóa kín, trên có tấm biển nhỏ "Nơi lưu niệm Tự Lực văn đoàn 1932 - 1942" hướng ra tuyến đường sắt xưa cũ mà nhà văn Thạch Lam đã đi vào lòng người với tác phẩm Hai đứa trẻ
Tôi gọi số điện thoại treo ở cửa, chờ cụ Nguyễn Thanh Đạm, chủ nhân khu vườn ở cách đó mấy trăm mét, đến mở cổng. Bước trên đám lá khô rải đều lối đi hẹp giữa một bên là tường nhà loang lổ rêu phong, một bên là hàng cây bụi lâu ngày không được tỉa tót, cảm xúc tràn trề...
Khu vườn hoang lạnh đầy lá khô và cỏ dại, rợp bóng mít, nhãn và cây cổ thụ. Áng thờ các nhà văn Tự Lực văn đoàn đặt giữa ngôi nhà ba gian. Bốn bức tường bong tróc, loang lổ vôi trát được treo nhiều ảnh tư liệu và tác phẩm văn chương. Những vệt rêu chạy dài theo đường nứt nẻ, mấy rễ cây xuyên tường đâm xuống như phủ dấu một thời đã qua...
Cụ Đạm cho biết khu nhà đất ngày xưa của gia đình họ Nguyễn Tường vốn rất rộng, đến khoảng 3 mẫu, ở từ mấy đời trước. Thời thuộc địa, ông Phán Nhu, tức Nguyễn Tường Nhu, thân sinh nhà văn Thạch Lam, làm quan huyện, chuyển sang Lào công tác rồi mất bên ấy. Khu nhà trở thành trại văn Tự Lực văn đoàn, nơi thường xuyên đón các văn nhân đương thời về hoạt động sáng tác.
Khi Tự Lực văn đoàn lùi vào quá khứ, khu nhà được nhượng cho ông Nguyễn Văn Thiệp, lúc đó là trưởng ga Cẩm Giàng. Khoảng năm 1980, ông Đạm đã mua khu nhà với giá 8 triệu đồng khi ông Thiệp chuyển lên làm việc ở Hà Nội.
Thực ra, ngôi nhà hiện nay chỉ mới được xây dựng khoảng cuối thập niên 1970. Ông Trần Quang Thông, một nhà nghiên cứu địa phương, cho hay khu trại Tự Lực văn đoàn xưa "hàng dãy dài, có nhà nghỉ, nhà tạ hóng mát". Tất cả bị phá hủy trong đợt tiêu thổ kháng chiến giữa thập niên 1940. Nền móng còn lại cũng bị bom phá giai đoạn Mỹ oanh tạc miền Bắc. Dấu tích duy nhất còn lại là cái ao vuông, vốn được người mẹ tảo tần Lê Thị Sâm tổ chức đào đất làm gạch để nuôi bảy người con dòng họ Nguyễn Tường.
Đêm Cẩm Giàng
Cẩm Giàng đêm thanh vắng, thi thoảng mới có chiếc xe máy vụt qua giữa hai dãy phố đóng cửa im lìm dưới ánh điện hiu hắt. Ngã ba đường vào ga Cẩm Giàng có chút sinh động: quán nước bên này dăm người xem phim chưởng, quán bên kia một nhóm thanh niên í ới chuyện trò. Đường vào ga tối om, chó sủa liên hồi. Sân ga rất tối, chỉ thấy lờ mờ mấy quán xép phủ bạt, cửa đóng. Tôi chạy xe máy men theo đường Thạch Lam, đi ngang trước vườn Tự Lực văn đoàn để tiến vào sân trong nhà ga. Bóng tối đen đặc, chỉ có ba chấm đỏ tín hiệu đường sắt, tiếng chó sủa um, vắng đến rợn người.
Nhân viên trực chạy tàu Nguyễn Văn Anh rất ngạc nhiên trước người lạ xuất hiện. Anh cho biết chuyến tàu khách cuối cùng đã qua ga trước đó gần hai tiếng, tức tàu Hải Phòng đi Hà Nội ghé lúc 20h05, cũng là lúc những người khách cuối cùng rời ga. Nhà ga này hiện có tám chuyến/bốn đôi tàu khách đến và đi. Ngày thường khách lèo tèo, cuối tuần, lễ lạt có thể đông đến vài ba chục người. Anh Nguyễn Văn Anh quê ở Lương Tài, Bắc Ninh, làm việc tại Cẩm Giàng từ năm 2014.
Anh kể sau hơn nửa tháng đầu làm việc, tình cờ đi ngang trông thấy tấm biển nhỏ giới thiệu nhà xưa Tự Lực văn đoàn đặt trên cổng ngôi nhà vắng. Anh giật mình, quá đỗi bất ngờ vì chỗ làm việc của mình ngay sát nơi ở của Thạch Lam và không gian truyện Hai đứa trẻ từng mê mẩn thời học phổ thông. Những đêm trực một mình, anh chợt nhớ đến câu chuyện của An và Liên trong mạch văn trong trẻo, nhiều xúc cảm lay động lòng người. Rồi anh nghĩ đến khu vườn đã đi vào lòng người ấy giờ đang tối tăm, hoang lạnh mà ngậm ngùi...

Bàn thờ các nhà văn Tự Lực văn đoàn nơi bức tường mốc meo - Ảnh: THÁI LỘC

Chuyện đường Thạch Lam
Trong các tuyến phố có tên ở Cẩm Giàng, điều ngạc nhiên nhất là chỉ phố Thạch Lam đặt theo tên người. Ông Thông nói rất vinh dự thực hiện "bước đi dũng cảm" khi đặt tên đường Thạch Lam vào năm 1996. 
Trước đó, khi bàn chuyện đặt tên đường, nhiều người đề nghị đặt theo tên các danh nhân lớn như Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Nguyễn Trãi... Là phó bí thư Đảng bộ phụ trách văn hóa, ông nêu quan điểm: "Nhà người ta giàu có thì Mộng Điệp, Ánh Tuyết. Còn mình chân quê, nếu chăn trâu cắt cỏ thì cứ cái Tí, cái Tẹo mà đặt, phải làm sao gắn với truyền thống địa phương".
Hội đồng thống nhất đặt tên Độc Lập cho tuyến đường chính, kỷ niệm Cẩm Giàng tách ra thành đơn vị hành chính độc lập. Đường Vinh Quang thì kỷ niệm sự kiện giành chính quyền, cả huyện Cẩm Giàng được giải phóng. Đường Thanh Niên nhằm ghi công thế hệ thanh niên khôi phục thị trấn sau chiến tranh...
Khó nhất vẫn là con đường nối từ đường Độc Lập vào vườn xưa Tự Lực văn đoàn, ông Thông đề xuất tên Thạch Lam với lý do: kỷ niệm dòng họ Nguyễn Tường từng sinh sống tạo nên dòng văn học lớn ngay tại quê hương. 
Tất nhiên, ông chưa dám nghĩ đến một cái tên khác trong Tự Lực văn đoàn, mà chỉ nghĩ đến Thạch Lam bởi "cuộc đời nhà văn tròn trịa, cũng là một đại diện xứng đáng, và rất nhiều tác phẩm khởi nguồn từ cuộc sống trên chính mảnh đất này". Hồi ấy, tuyến đường mòn này bằng đất nhỏ, chỉ dài khoảng 300m, mùa nắng thì bụi bặm, mùa mưa bị nước đọng buồn tênh...
Từ ngày có đường Thạch Lam, người địa phương "mạnh dạn xen lẫn tự hào hẳn lên", khi nhắc đến các tác giả, tác phẩm, thậm chí nhiều người bàn bạc "cần phải làm gì đó" để tôn vinh Tự Lực văn đoàn ngay trên chính mảnh vườn xưa. Chính quyền thị trấn Cẩm Giàng tổ chức "bước đệm" với hai cuộc tọa đàm tại địa phương: Văn chương Tự Lực văn đoàn với thị trấn Cẩm Giàng và Văn chương Thạch Lam với thị trấn Cẩm Giàng.
Đến tháng 5-2008, cũng tại thị trấn này, hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy cố trạch của Tự Lực văn đoàn được tổ chức, thu hút nhiều tên tuổi nổi tiếng tham gia. Hội thảo đã làm sáng rõ hơn nội dung: thị trấn Cẩm Giàng là quê hương các nhà văn trụ cột của Tự Lực văn đoàn, đồng thời là "quê hương" của nhiều tác phẩm thuộc dòng văn học vàng son một thuở...
Nam Cao viết Chí Phèo từ nhiều con người thật sống ở làng Đại Hoàng. Dù pha quyện hư cấu, đổi tên người, tên làng, ngòi bút hiện thực của nhà văn vẫn làm dân làng biết chắc viết về ai...
Tháng 2-2012, quy hoạch chi tiết công viên Tự Lực văn đoàn được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt. Kèm theo là dự án xây dựng quần thể khu biểu trưng văn hóa, nhà văn hóa, thư viện, hội trường, nhà khách, nhà ẩm thực và các công trình phụ trợ, trên diện tích gần 2,4ha (toàn bộ khu vườn và khu vực lân cận) với tổng vốn gần 60 tỉ đồng. Tuy nhiên vì nhiều lý do mà dự án trên vẫn "treo lơ lửng" đến nay trong sự nóng ruột mong chờ của nhiều người.