Sách hay

Sách hay: Thay đổi thói quen - Thay đổi cuộc đời, 17 Cách để xây dựng sự nghiệp Kinh doanh của bạn với một cuốn Sách, Bí mật thực sự Internet Marketing, ...

Chia sẻ - Nghệ thuật Viết sách và Thành công

Đây là một mẹo tiếp thị, sẽ cung cấp cho bạn một lợi thế cạnh tranh tuyệt đối trong nền kinh tế mới...

Đào tạo - Nghệ thuật Viết sách và Thành công

Viết một cuốn sách - đáp ứng nhu cầu, ham muốn và giải quyết các vấn đề cho thị trường của bạn và bạn sẽ được chào đón với vòng tay rộng mở từ các khách hàng tiềm năng của bạn...

Coach - Nghệ thuật Viết sách theo Mục đích Đúng

Coach - Nghệ thuật Viết sách theo Mục đích Đúng chia sẻ giải pháp để bạn hoàn thành quyển sách của mình với Tư tưởng cao cấp nhất có thể...

Tư vấn - Cố vấn Viết sách

Tư vấn - Cố vấn Viết sách vói Quy trình Viết sách Cải tiến (Improved Writing Proccess - iWriting) mang đến cho bạn giải pháp hiệu quả để viết nên quyển sách của mình...

Thursday, October 31, 2019

Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ 9: Có đến 3 Chí Phèo, 2 Thị Nở ngoài đời


Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ 9: Có đến 3 Chí Phèo, 2 Thị Nở ngoài đời
TTO - Nam Cao viết truyện Chí Phèo từ nhiều con người thật sống ở làng Đại Hoàng. Dù pha quyện hư cấu, đổi tên nhân vật, tên làng, nhưng ngòi bút hiện thực của nhà văn tài hoa vẫn làm cho người làng biết chắc viết về ai...


Bà Trần Thị Hồng và cuốn sách viết về người cha Nam Cao - Ảnh: THÁI LỘC


Những nhân vật trong tác phẩm của cha tôi đều là các nguyên mẫu ở ngay trong gia đình, trong xóm ngoài làng, gần gũi thân thương với cha tôi.
Bà TRẦN THỊ HỒNG
Làng thực của Chí Phèo
Ghé làng Đại Hoàng (Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam, bối cảnh làng Vũ Đại trong truyện Chí Phèo) giữa trưa nắng gắt, tôi theo tấm biển chỉ đường tìm đến nhà Bá Kiến trong một con hẻm.
"Nhà Bá Kiến" trong tưởng tượng nguy nga lắm, nhưng xem ra chỉ ngang ngôi nhà nông thôn bậc trung ngày nay. Người giữ nhà Trần Thị Hương cho hay đây là nhà xưa của ông nghị Bính - nguyên mẫu Bá Kiến trong truyện Chí Phèo, được ngành văn hóa Nam Định mua lại giao chị trông nom.
Mộ nhà văn Nam Cao hướng ra cái ao rộng ven đường tỉnh 972, xây bằng đá, gắn di ảnh và khắc hai đoạn trích "quan niệm sáng tác".
Ông Trần Hữu Vịnh, 70 tuổi, giới thiệu về người chú họ mình: "Cái tài của Nam Cao là viết rất thật và sinh động về những câu chuyện có thật ở làng Đại Hoàng này, không bôi đen, tô hồng".
Ông nói tiếc lắm cái lò gạch cũ vốn là nơi ở của Chí Phèo đã bị phá vào năm 1962 vì nằm ngay sát đường lớn và cạnh mặt nước Châu Giang...
Quay sang tôi, ông Vịnh khoe làng mình sở hữu hai đặc sản lừng danh: cá kho và chuối ngự. Giống chuối nổi tiếng của làng càng trở nên đặc biệt nếu trong khu vườn nơi đặt mộ nhà văn, vốn là vườn xưa của nguyên mẫu Lão Hạc.
Rồi ông thao thao về món cá kho Đại Hoàng, rằng cũng do làng xưa nghèo khó, người làng làm lụng vất vả quanh năm mà chưa đủ cái ăn. Tết đến, chẳng có gì ngoài cá trong ao, vậy là người làng chế biến sao cho đặc biệt, vừa để dâng cúng tổ tiên, vừa để con cháu hưởng lộc dài ngày.
Trong sự tự hào, ông mách nước bí quyết kho cá rất đặc biệt được truyền nối bao đời: cá trắm đen thả ao nhiều năm để nguyên vảy, cắt khúc, ướp với nước chanh tươi cô đặc lẫn riềng, gừng và nước mắm cua đồng...
Sau gần một ngày đêm kho liu riu trên bếp, miếng cá ngả vàng, săn chắc, xương giòn tan, ăn không chừa thứ gì...
"Cha nghe mẹ tôi kể lại"
Lần theo chỉ dẫn của ông Vịnh, chúng tôi ngược lên Hà Nội tìm đến bà Trần Thị Hồng, người con gái đầu của cố nhà văn Nam Cao sống trong hẻm phố Minh Khai (Q.Đống Đa). Bà nói rất tự hào về tài năng nhưng ngậm ngùi về sự khốn khó một thời của cha.
Mẹ lấy cha 18 năm thì qua đời, có năm mặt con. Cha đi công tác suốt năm, lâu lâu mới về, ở ít hôm rồi lại đi nên sống cùng vợ con rất ít. Người con gái thứ ba qua đời ít lâu nhà văn mới biết. Ngay người con trai út Trần Hữu Thực cũng chưa từng gặp mặt cha.
Nhà văn - liệt sĩ Nam Cao hi sinh năm 1951, khi bà Hồng 13 tuổi. Bà may mắn được sống cùng mẹ Trần Thị Sen cho đến khi mẹ mất vào năm 2002, nên được nghe kể rất nhiều chuyện xưa về cha, cả đời sống riêng tư lẫn ngóc ngách các tác phẩm.
Nhờ vậy, bà viết nên sách Chuyện chưa biết về nhà văn Nam Cao với rất nhiều câu chuyện hấp dẫn, lý thú.
Bà cho biết: "Mỗi khi đọc những tác phẩm cha viết, tôi cứ hình dung rõ từng con người một sống ở làng mình, từ ông bà, chú bác, cô dì, hàng xóm, bản thân cha, mẹ, và cả tôi ở trong đó nữa...".
Bà Hồng khẳng định nhân vật ông giáo Thứ và Liên chính là cha và mẹ trong truyện Sống mòn. Truyện Mua nhà cha viết chuyện thật của chính mình, mua của ông Luân, bán do vợ chết và hai người con đang ốm.
Còn Lão Hạc là cụ trùm Duyên, một hàng xóm của "ông giáo" - chính là nhà văn. Truyện Dì Hảo thì nhân vật chính là bà Thảo, vợ ông quản Phượng trong làng. Riêng truyện Quét nhà, nhà văn viết về chính bà Hồng lúc 5 tuổi.
Ngoài thay tên đổi họ hay hư cấu vài chi tiết, rất nhiều nhân vật được nhà văn giữ nguyên tên tuổi lẫn sự việc, tính cách khi viết.
Tôi nêu thắc mắc nhà văn ít ở quê, làm sao bê cả hiện thực của làng Đại Hoàng vào truyện như thế được?
"Cha nghe mẹ tôi kể lại. Cha tôi không mấy khi ở làng, nhưng hằng năm cũng có kỳ nghỉ, về nhà ít bữa hoặc có khi vài tháng. Mẹ tôi sống ở quê nên nắm bắt được rất nhiều chuyện, kể lại cho cha tôi nghe" - bà Hồng trả lời ngay.

Khu nhà được viết là của Bá Kiến - Ảnh: THÁI LỘC

3 Chí Phèo, 2 Thị Nở
Nhiều người dân Đại Hoàng vẫn còn kể vanh vách về những con người thật được đưa vào truyện Chí Phèo. Rằng Chí Phèo là sự "tổng hợp" của ba người đàn ông, Thị Nở dựa trên hai người phụ nữ.
Bà Hồng khẳng định: "Trong ba người mà cha tôi chọn để xây dựng nhân vật Chí Phèo thì hai ông vẫn sống ở làng cho tới lúc già mới mất, ông còn lại đi biệt tích chứ không đâm chém với Bá Kiến như cha tôi viết".
Theo đó, làng xưa có người tên Chí, mổ lợn giúp người ta không đòi tiền mà chỉ xin phèo và rượu nhấm nháp. Khi say lảo đảo, ông không "rạch mặt ăn vạ" mà thường tìm lều chợ để ngủ, hễ ai hỏi đi đâu thì ông luôn nói "đi phèo", ý là đi ngủ. Do vậy, người làng gọi luôn tên Chí Phèo.
Ông Chí không lấy vợ, nhưng khoảng cuối thập niên 1930 thì có với bà bán trứng trong làng một người con trai đặt tên Rụ, có vợ và sinh hai con gái. Ông Chí về sau bỏ làng biệt xứ.
Người thứ hai tên là Trinh, vốn là đứa trẻ được nhặt từ cái lò gạch trong làng, có vợ và đàn con. Người này "uống rượu nhiều như người ta uống nước, mỗi khi say thường chửi trời, chửi mọi người và ăn vạ".
Người thứ ba tên Đào, chính là lực điền đi ở cho ông chánh Bính ở làng. Đào từ thanh niên hiền lành, sau khi bị tù, trở về làng sa vào rượu chè và tính tình ngỗ ngược.
Về hai nguyên mẫu Thị Nở, người thứ nhất đúng tên Trần Thị Nở, nhà văn gọi là mợ.
"Bà Nở là con một ông chuyên đóng cối xay thóc trong làng, bề ngoài xấu xí, tính tình dở hơi, vô tâm và dễ ngủ; sau khi lấy ông trùm Đào thì trở thành mợ của cha tôi" - bà Hồng kể.
Người thứ hai là Trần Thị Thìn: "Cô Thìn mặt ngắn, mũi to, da sần sùi, vừa xấu vừa dở tính nên không lấy được chồng, bị bệnh mất năm 1960".
Riêng về ông chánh tổng Trần Duy Bính - nguyên mẫu Bá Kiến - còn sống đến sau năm 1945, về sau có nhiều con cháu tham gia kháng chiến hoặc thành đạt ở nhiều nơi...
Được biết, tại làng Đại Hoàng, ông Rụ, con trai của ông Chí, khi qua đời để lại hai người con gái. Một người đi lấy chồng xa, một người hiện có chồng con sống ở làng.
Tôi hỏi đường tìm đến nhà người này thì tất cả đều khuyên nên bỏ ý định vì là chuyện tế nhị, có đến cũng không cho gặp, thậm chí có thể mắc phiền toái. Theo lời ông Trần Hữu Vịnh: "Dù có thật đi nữa, nhưng ai lại đi nhận mình là con cháu Chí Phèo bao giờ".
Bút danh Hoàng Cầm của nhà thơ Bùi Tằng Việt là tên loại thuốc đắng như mật. Tìm về chốn xưa trong thơ, chiếc lá diêu bông mà người con gái ấy đã tìm cũng có vị đắng ngắt...


THÁI LỘC

Wednesday, October 30, 2019

Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ 8: Về vườn xưa Tự Lực văn đoàn


Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ 8: Về vườn xưa Tự Lực văn đoàn
TTO - Mái nhà rêu phong, hoang lạnh giữa mảnh vườn um tùm cây cối đang là nơi thờ các nhà văn Tự Lực văn đoàn. Nơi ấy vẫn vẳng tiếng xình xịch những chuyến tàu đến rồi đi và 'Hai đứa trẻ' đầy hoài niệm của Thạch Lam...

Cụ Nguyễn Thanh Đạm và khu vườn xưa hoang tàn của Tự Lực văn đoàn - Ảnh: THÁI LỘC

Tôi biết khu vườn của mình rất đặc biệt, gắn liền với dòng văn học nổi tiếng của đất nước. Tôi đã 92 tuổi, mười năm nay phải rời nó để về ở với con cháu nên buộc để hoang tàn, xót lắm mà đành chịu.
Cụ Nguyễn Thanh Đạm
Vườn xưa hoang lạnh
Vườn xưa Tự Lực văn đoàn, cửa khóa kín, trên có tấm biển nhỏ "Nơi lưu niệm Tự Lực văn đoàn 1932 - 1942" hướng ra tuyến đường sắt xưa cũ mà nhà văn Thạch Lam đã đi vào lòng người với tác phẩm Hai đứa trẻ
Tôi gọi số điện thoại treo ở cửa, chờ cụ Nguyễn Thanh Đạm, chủ nhân khu vườn ở cách đó mấy trăm mét, đến mở cổng. Bước trên đám lá khô rải đều lối đi hẹp giữa một bên là tường nhà loang lổ rêu phong, một bên là hàng cây bụi lâu ngày không được tỉa tót, cảm xúc tràn trề...
Khu vườn hoang lạnh đầy lá khô và cỏ dại, rợp bóng mít, nhãn và cây cổ thụ. Áng thờ các nhà văn Tự Lực văn đoàn đặt giữa ngôi nhà ba gian. Bốn bức tường bong tróc, loang lổ vôi trát được treo nhiều ảnh tư liệu và tác phẩm văn chương. Những vệt rêu chạy dài theo đường nứt nẻ, mấy rễ cây xuyên tường đâm xuống như phủ dấu một thời đã qua...
Cụ Đạm cho biết khu nhà đất ngày xưa của gia đình họ Nguyễn Tường vốn rất rộng, đến khoảng 3 mẫu, ở từ mấy đời trước. Thời thuộc địa, ông Phán Nhu, tức Nguyễn Tường Nhu, thân sinh nhà văn Thạch Lam, làm quan huyện, chuyển sang Lào công tác rồi mất bên ấy. Khu nhà trở thành trại văn Tự Lực văn đoàn, nơi thường xuyên đón các văn nhân đương thời về hoạt động sáng tác.
Khi Tự Lực văn đoàn lùi vào quá khứ, khu nhà được nhượng cho ông Nguyễn Văn Thiệp, lúc đó là trưởng ga Cẩm Giàng. Khoảng năm 1980, ông Đạm đã mua khu nhà với giá 8 triệu đồng khi ông Thiệp chuyển lên làm việc ở Hà Nội.
Thực ra, ngôi nhà hiện nay chỉ mới được xây dựng khoảng cuối thập niên 1970. Ông Trần Quang Thông, một nhà nghiên cứu địa phương, cho hay khu trại Tự Lực văn đoàn xưa "hàng dãy dài, có nhà nghỉ, nhà tạ hóng mát". Tất cả bị phá hủy trong đợt tiêu thổ kháng chiến giữa thập niên 1940. Nền móng còn lại cũng bị bom phá giai đoạn Mỹ oanh tạc miền Bắc. Dấu tích duy nhất còn lại là cái ao vuông, vốn được người mẹ tảo tần Lê Thị Sâm tổ chức đào đất làm gạch để nuôi bảy người con dòng họ Nguyễn Tường.
Đêm Cẩm Giàng
Cẩm Giàng đêm thanh vắng, thi thoảng mới có chiếc xe máy vụt qua giữa hai dãy phố đóng cửa im lìm dưới ánh điện hiu hắt. Ngã ba đường vào ga Cẩm Giàng có chút sinh động: quán nước bên này dăm người xem phim chưởng, quán bên kia một nhóm thanh niên í ới chuyện trò. Đường vào ga tối om, chó sủa liên hồi. Sân ga rất tối, chỉ thấy lờ mờ mấy quán xép phủ bạt, cửa đóng. Tôi chạy xe máy men theo đường Thạch Lam, đi ngang trước vườn Tự Lực văn đoàn để tiến vào sân trong nhà ga. Bóng tối đen đặc, chỉ có ba chấm đỏ tín hiệu đường sắt, tiếng chó sủa um, vắng đến rợn người.
Nhân viên trực chạy tàu Nguyễn Văn Anh rất ngạc nhiên trước người lạ xuất hiện. Anh cho biết chuyến tàu khách cuối cùng đã qua ga trước đó gần hai tiếng, tức tàu Hải Phòng đi Hà Nội ghé lúc 20h05, cũng là lúc những người khách cuối cùng rời ga. Nhà ga này hiện có tám chuyến/bốn đôi tàu khách đến và đi. Ngày thường khách lèo tèo, cuối tuần, lễ lạt có thể đông đến vài ba chục người. Anh Nguyễn Văn Anh quê ở Lương Tài, Bắc Ninh, làm việc tại Cẩm Giàng từ năm 2014.
Anh kể sau hơn nửa tháng đầu làm việc, tình cờ đi ngang trông thấy tấm biển nhỏ giới thiệu nhà xưa Tự Lực văn đoàn đặt trên cổng ngôi nhà vắng. Anh giật mình, quá đỗi bất ngờ vì chỗ làm việc của mình ngay sát nơi ở của Thạch Lam và không gian truyện Hai đứa trẻ từng mê mẩn thời học phổ thông. Những đêm trực một mình, anh chợt nhớ đến câu chuyện của An và Liên trong mạch văn trong trẻo, nhiều xúc cảm lay động lòng người. Rồi anh nghĩ đến khu vườn đã đi vào lòng người ấy giờ đang tối tăm, hoang lạnh mà ngậm ngùi...

Bàn thờ các nhà văn Tự Lực văn đoàn nơi bức tường mốc meo - Ảnh: THÁI LỘC

Chuyện đường Thạch Lam
Trong các tuyến phố có tên ở Cẩm Giàng, điều ngạc nhiên nhất là chỉ phố Thạch Lam đặt theo tên người. Ông Thông nói rất vinh dự thực hiện "bước đi dũng cảm" khi đặt tên đường Thạch Lam vào năm 1996. 
Trước đó, khi bàn chuyện đặt tên đường, nhiều người đề nghị đặt theo tên các danh nhân lớn như Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Nguyễn Trãi... Là phó bí thư Đảng bộ phụ trách văn hóa, ông nêu quan điểm: "Nhà người ta giàu có thì Mộng Điệp, Ánh Tuyết. Còn mình chân quê, nếu chăn trâu cắt cỏ thì cứ cái Tí, cái Tẹo mà đặt, phải làm sao gắn với truyền thống địa phương".
Hội đồng thống nhất đặt tên Độc Lập cho tuyến đường chính, kỷ niệm Cẩm Giàng tách ra thành đơn vị hành chính độc lập. Đường Vinh Quang thì kỷ niệm sự kiện giành chính quyền, cả huyện Cẩm Giàng được giải phóng. Đường Thanh Niên nhằm ghi công thế hệ thanh niên khôi phục thị trấn sau chiến tranh...
Khó nhất vẫn là con đường nối từ đường Độc Lập vào vườn xưa Tự Lực văn đoàn, ông Thông đề xuất tên Thạch Lam với lý do: kỷ niệm dòng họ Nguyễn Tường từng sinh sống tạo nên dòng văn học lớn ngay tại quê hương. 
Tất nhiên, ông chưa dám nghĩ đến một cái tên khác trong Tự Lực văn đoàn, mà chỉ nghĩ đến Thạch Lam bởi "cuộc đời nhà văn tròn trịa, cũng là một đại diện xứng đáng, và rất nhiều tác phẩm khởi nguồn từ cuộc sống trên chính mảnh đất này". Hồi ấy, tuyến đường mòn này bằng đất nhỏ, chỉ dài khoảng 300m, mùa nắng thì bụi bặm, mùa mưa bị nước đọng buồn tênh...
Từ ngày có đường Thạch Lam, người địa phương "mạnh dạn xen lẫn tự hào hẳn lên", khi nhắc đến các tác giả, tác phẩm, thậm chí nhiều người bàn bạc "cần phải làm gì đó" để tôn vinh Tự Lực văn đoàn ngay trên chính mảnh vườn xưa. Chính quyền thị trấn Cẩm Giàng tổ chức "bước đệm" với hai cuộc tọa đàm tại địa phương: Văn chương Tự Lực văn đoàn với thị trấn Cẩm Giàng và Văn chương Thạch Lam với thị trấn Cẩm Giàng.
Đến tháng 5-2008, cũng tại thị trấn này, hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy cố trạch của Tự Lực văn đoàn được tổ chức, thu hút nhiều tên tuổi nổi tiếng tham gia. Hội thảo đã làm sáng rõ hơn nội dung: thị trấn Cẩm Giàng là quê hương các nhà văn trụ cột của Tự Lực văn đoàn, đồng thời là "quê hương" của nhiều tác phẩm thuộc dòng văn học vàng son một thuở...
Nam Cao viết Chí Phèo từ nhiều con người thật sống ở làng Đại Hoàng. Dù pha quyện hư cấu, đổi tên người, tên làng, ngòi bút hiện thực của nhà văn vẫn làm dân làng biết chắc viết về ai...
Tháng 2-2012, quy hoạch chi tiết công viên Tự Lực văn đoàn được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt. Kèm theo là dự án xây dựng quần thể khu biểu trưng văn hóa, nhà văn hóa, thư viện, hội trường, nhà khách, nhà ẩm thực và các công trình phụ trợ, trên diện tích gần 2,4ha (toàn bộ khu vườn và khu vực lân cận) với tổng vốn gần 60 tỉ đồng. Tuy nhiên vì nhiều lý do mà dự án trên vẫn "treo lơ lửng" đến nay trong sự nóng ruột mong chờ của nhiều người.

Tuesday, October 29, 2019

Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ 7: Đi tìm vợ chồng A Phủ


Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ 7: Đi tìm vợ chồng A Phủ
TTO - Chuyện về "Vợ chồng A Phủ" trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Tô Hoài đối với người Hồng Ngài vẫn như một huyền thoại.

Hang A Phủ ở Hồng Ngài được viết là nơi A Phủ trú lánh - Ảnh: THÁI LỘC

A Phủ ở đâu?
Người Mông ở Hồng Ngài bảo, ngày xưa, xưa lắm, A Phử (nguyên mẫu của nhân vật A Phủ) với Mỉ (nhân vật Mị) chạy trốn khỏi nhà thống lý ở xã Hang Chú, sang Hồng Ngài cùng huyện Bắc Yên, Sơn La.
Họ sống ở hang Thông, tức thông qua một đỉnh núi ở Hồng Ngài, rồi theo kháng chiến. Hang Thông giờ được gọi là hang A Phủ. Chính quyền xã đã mở lối đi để khách du lịch tham quan.
Chúng tôi đến xã Hồng Ngài, "quê hương" của nhân vật trong truyện Vợ chồng A Phủ, thuộc huyện Bắc Yên. Chủ tịch xã Mùa A Chồng bảo người cao tuổi trong bản vẫn kể chuyện A Phử (tức A Phủ trong truyện) dám chống lại thống lý, giúp cách mạng, giúp người Mông đòi được đất, không phải làm phận con trâu, con ngựa.
Theo ông, A Phử và Mỉ đã đến Hồng Ngài, phát cây làm nương, lên rừng đuổi con hổ, con trăn, không cho nó bắt dê của dân bản. Lâu lắm rồi, chuyện A Phử chỉ được kể bên bếp lửa trong những ngày đông.
A Phử giờ ở đâu? Con cháu ra sao? Ông Chồng lắc đầu: "Ngày xưa chiến tranh, không ai dám nhận con cháu A Phử cả. Quan Pháp biết được, nó bắt. Hòa bình rồi, có một vài người nhận nhưng việc xác minh rất khó".
Chỉ tay lên núi cao trước ủy ban xã, ông tỏ vẻ nắm rõ chuyện: Ngày xưa A Phử dẫn Mỉ chạy theo sống núi, đến khi hết núi, nơi có con suối lớn đổ vào sông Đà thì dừng lại dựng lán để ở. Nơi ấy giờ là bản Lung Tang - bản cuối cùng của xã Hồng Ngài. Đến Lung Tang là hết đường, con ngựa cũng không qua được suối.
Ông Chồng kể tiếp hồi đó, bên bờ suối ấy có hai người tay chân của thống lý đến tận nơi tìm A Phử. Chúng là người Tàu, biết võ, thống lý thuê để đi bắt A Phử.
Hai bên đánh nhau bên bờ suối. A Phử vốn rất khỏe, đánh nhau với hai người. Người Mông không biết kết quả bên nào thắng, chỉ thấy cây cỏ bên suối chết rạp vì bị quần nát. Cả ba sang bên kia suối Bàu, từ đó không ai có tin tức về A Phử nữa.
Con đường hơn 20km từ trung tâm xã đến bản Lung Tang vắt vẻo trên đỉnh núi, hai bên vực sâu hút mắt. Người Lung Tang bảo trong bản có người là con cháu A Phử, giờ vẫn còn sống. "Nó là Lầu A Lia, cháu nội của Lầu A Phử. Giờ nó già hơn 60 tuổi rồi, nhưng nó khỏe như con trâu to của bản" - Mùa Thị Súa, một người trong bản, nói.
A Lia đã là một trong những người cao tuổi ở bản, nhưng còn khỏe, rắn rỏi như hòn đá núi. A Lia uống cạn bát rượu rồi kể với khách: "Ông nội tên là Lầu A Phử, nghe bố A Lia kể lại thì ông A Phử quê gốc ở Tà Xùa, sang Hồng Ngài lập bản. Ông A Phử có cái bụng thẳng như cây thông trong rừng.
Ngày xưa khổ lắm, không có cái nhà tốt để ở, không có ruộng, không có cái ăn. Nghe các cụ bảo, bọn phìa, bọn thống lý lại bắt nộp thuế, đi lính. Không có tiền nộp thì nó đánh. Cách mạng về, các cụ đi theo nên mới được sống như giờ". A Phử giúp cách mạng và sau này làm cán bộ xã Hồng Ngài.
Ông Mùa A Chồng cũng xác nhận ông A Phử ở bản Lung Tang chỉ có nhiều điểm giống với A Phử chứ không phải nguyên mẫu nhân vật A Phủ của Tô Hoài. Bởi lẽ, Lầu A Phử và Mỉ quê Tà Xùa, vẫn còn mồ mả người thân bên đó, chứ không phải quê Hang Chú như trong truyện...

Cụ Đinh Tôn là người kể chuyện cho nhà văn Tô Hoài viết Vợ chồng A Phủ - Ảnh: THÁI LỘC

Người kể chuyện cho Tô Hoài
"Tôi chính là nhân vật A Châu, cũng là người kể chuyện cho anh Tô Hoài để viết nên truyện Vợ chồng A Phủ" - cụ Đinh Tôn nói ngay khi chúng tôi lần được manh mối và tìm đến ngôi nhà sàn gỗ ở tiểu khu 2, thị trấn Bắc Yên, Sơn La.
93 tuổi, nhanh nhẹn và minh mẫn, cụ Tôn kể chuyện mấy mươi năm trước mà tươi mới như đang diễn ra trước mắt. Tháng 8-1950, Đinh Tôn được phân công làm bí thư chi bộ 99 - một đơn vị hành chính tại Bắc Yên ngày nay. Lúc ấy, vùng đất này có vị trí trọng yếu chính trị lẫn quân sự. Nhiệm vụ của Tôn là xây dựng đội du kích, tuyên truyền người dân...
Để chuẩn bị thành lập Khu tự trị Thái - Mèo (Mông), đầu thập niên 1950, ông Đinh Tôn biết tiếng Mông được phân công điều tra nguồn gốc, đời sống dân tộc Mông trong vùng. "Ngày đó, điều tra để biết họ đến từ đâu, ăn ở, sinh hoạt như thế nào? Rồi cuộc đấu tranh sinh tồn của họ với thiên nhiên, đấu tranh chống phong kiến, giai cấp...".
Trong cuộc điều tra này, ông được một người Mông tên Giàng A Cở kể lại câu chuyện Lầu A Phử - một chàng trai Mông mạnh khỏe ở xã Hang Chú (cách Hồng Ngài hơn 20km). A Phử và Mỉ muốn lấy nhau nhưng thống lý Mùa Giảng Cở không cho.
Gã còn lấy cớ bắt vạ, bắt A Phử phải ở đợ trả nợ. Không chịu áp bức, A Phử và Mỉ dắt nhau trốn về Hồng Ngài. Chưa có nhà, chưa có ruộng, đôi trai gái sống tạm ở hang Thông, trên đỉnh một ngọn núi ở bản Hồng Ngài...
"Hồi đó, anh Tô Hoài lên làm việc, vì tôi biết tiếng Mông nên lãnh đạo huyện cử dẫn anh đi trong khoảng một tháng. Tôi kể anh nghe rất nhiều chuyện, trong đó có chuyện A Phử và Mỉ. Ít lâu sau thấy có truyện gửi lên huyện xem qua, và sau đó thì cử đoàn lên làm phim Vợ chồng A Phủ, tôi cũng là người dẫn đoàn đi" - cụ Đinh Tôn kể.
Nhưng cụ cũng không biết nhiều hơn về chuyện A Phử và Mỉ sau này. Bởi khi cụ nghe Giàng A Cở kể chuyện thì họ đã chết nhiều năm trước đó. Sau này, cụ Tôn có ý gặp lại để hỏi chuyện thì ông Cở cũng đã qua đời.
Cũng theo cụ Tôn, truyện của Tô Hoài khi đưa lên huyện xem trước, nhân vật lấy nguyên tên họ Lầu A Phử và thống lý Mùa Giảng Cở. Lãnh đạo huyện và ông Tôn đề nghị nhà văn điều chỉnh vài chi tiết, trong đó gọi chung chung là A Phủ - nhân vật tiêu biểu cho thế hệ đấu tranh chống phong kiến.
Còn thống lý Mùa Giảng Cở trước đó tàn ác, nhưng sau nghe theo cách mạng và ủng hộ rất nhiều. Cái tên Pá Tra được đề nghị thế vào có nguyên mẫu là thống lý rất tàn ác ở Mù Cang Chải (Yên Bái), sau cách mạng chạy dạt sang Lào làm thổ phỉ.
Ngoài ra, trong truyện của Tô Hoài, vợ chồng A Phủ gặp đội trưởng du kích A Châu ở Hồng Ngài, được tuyên truyền theo cách mạng chính là chi tiết nhà văn hư cấu.
Bởi lẽ, A Châu chính là cụ Đinh Tôn. Còn nguyên mẫu A Phử và Mỉ, theo cụ Tôn, thì họ đã chết trước Cách mạng Tháng Tám (1945) khá lâu trước khi Đinh Tôn được nghe người ta kể chuyện để rồi kể lại cho Tô Hoài viết...
"Câu chuyện của A Phủ, Mị trong cuộc đấu tranh với thống lý tàn ác đều có thật, do chính tôi thu thập từ thực tế và kể lại cho anh Tô Hoài viết nên truyện Vợ chồng A Phủ. Tất nhiên, nhà văn có thay đổi, hư cấu một số điểm cho phù hợp với hoàn cảnh lúc ấy, kể cả việc lấy tôi làm nguyên mẫu cho nhân vật A Châu trong đó" - cụ Đinh Tôn.

Monday, October 28, 2019

Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ 6: Sự thật ở thôn Vỹ


Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ 6: Sự thật ở thôn Vỹ
TTO - “Sao anh không về chơi thôn Vỹ? - Nhìn giá nhà lên giá đất lên - Vườn ai tuốt luốt sâu trong hẻm - Sáng mở mắt ra hóa mặt tiền…”.

Phủ Ba Cửa, nơi thờ Tuy Lý vương Miên Trinh, một thân vương - thi gia nổi tiếng ở thôn Vỹ - Ảnh: THÁI LỘC
Nhìn giá nhà lên, giá đất lên
Ông Nguyễn Hoài Phương, chủ tịch UBND phường Vỹ Dạ, TP Huế, kể: "Chừng 20 năm trước, chúng tôi ngồi lai rai tại một quán ở Vỹ Dạ bàn chuyện đất đai đang nóng sốt: vườn này cắt chia con cháu, vườn kia được giá xẻ bán cho người ta, phố phường mở rộng, hẻm ra mặt tiền... Thế rồi tự nhiên hình thành mấy câu thơ "chế" Đây thôn Vỹ Dạ".
Đến thôn Vỹ, sông Hương vẫn xanh biêng biếc để dải đất thơ nổi tiếng này nương vào... Từ trung tâm TP Huế qua khỏi đập Đá cạnh Hương giang, tuyến đường Nguyễn Sinh Cung khởi đầu thôn Vỹ với đôi dãy nhà phố lô nhô cao thấp, bán buôn nhộn nhịp. 
Tiếp tục xuôi theo con đường này, rất nhiều nhà hàng, khách sạn và hàng quán nối tiếp xen kẽ với nhiều ngôi từ đường, nhà xưa có cổng phủ cổ kính.
Anh bạn cùng tôi dạo khắp thôn Vỹ, vốn lâng lâng thơ Hàn Mạc Tử, đặc biệt là bài Đây thôn Vỹ Dạ, đã thất vọng khi khó được "Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên/ Vườn ai mướt quá xanh như ngọc/ Lá trúc che ngang mặt chữ điền…". Mà chỉ thấy phố phường chật hẹp, đông đúc. 
"Mần chi còn mấy thứ nớ mà tìm chú! Giá đất cao quá, mỗi mét vuông mặt tiền Nguyễn Sinh Cung ni có nơi lên tới 70-80 triệu đồng, chí ít cũng 40-50 triệu mà không có để mua" - bà chủ quán nước đoạn gần phủ Ba Cửa (Tuy Lý vương) kéo anh bạn về thực tại.
Phường Vỹ Dạ gần trung tâm thành phố, bị đô thị hóa mạnh quá. Đầu thập niên 1990, đường Nguyễn Sinh Cung được mở rộng; năm 1995 đường mở rộng thêm. Đôi hàng cây sanh, bồ đề cổ thụ, những cổng phủ rêu phong cổ kính, mấy hàng cau, bờ tre trúc, dãy chè tàu tỉa tót hay giậu hoa... phần lớn bị thay bằng nhà cửa mặt phố.
Lần Vỹ Dạ thay da đổi thịt dữ dội nhất vào năm 1998, khi đô thị mới Nam Vỹ Dạ đầu tiên của Huế hình thành ngay trên 80ha đất ruộng cạnh bên. Từ một tuyến đường chính chạy xuyên suốt, cả Vỹ Dạ được định hình 42 tuyến đường trải nhựa; ruộng đồng được san lấp thành phố, hẻm mở thành đường, nhà cửa san sát...
Theo ông Lê Văn Phú - phó chủ tịch UBND phường Vỹ Dạ, ở đây từng trải qua mấy đợt đất đai "sốt sần sật", giá tăng liên tục. Cũng tại quá gần trung tâm thành phố, người ta đổ xô về mua đất làm nhà trong làn sóng không cưỡng được. Những khu vườn rộng thênh, số bị tách thửa phân lô cho con cháu, số chia năm xẻ bảy bán đi. 
"Cả phường Vỹ Dạ nay hiếm còn khu nhà vườn nào đúng nghĩa, đáp ứng theo tiêu chí nhà vườn của tỉnh Thừa Thiên Huế nữa rồi!" - vị phó chủ tịch phường lạc giọng.
Còn trong ký ức
Những người "muôn năm cũ" ở cố đô vẫn tiếc nuối về sự mỹ miều, thơ mộng của rẻo đất hồn thơ đã mất đi. Riêng ông Phương nhớ như in đường Nguyễn Sinh Cung (Thuận An xưa) xuyên qua thôn Vỹ rợp bóng cây sanh và bồ đề, hai bên là từng khu nhà vườn nối tiếp vườn, rồi cổng phủ với từng dãy chè tàu phẳng phiu hay tre trúc, giậu hoa... 
"Cái thời điện còn đêm tắt đêm tỏ, vào những đêm hè trăng sáng, lứa thanh niên chúng tôi đi bộ lên đập Đá hóng gió, ngắm trăng thanh. Vườn tược hồi ấy cực kỳ xanh mát" - ông tiếc nuối kể.
Tác giả Nguyễn Thị Kim Thoa, trong dòng ký ức về thôn Vỹ thủa trước: "Ngày hai buổi ôm cặp đi về, tôi thường ngắm nhìn những ngôi nhà ẩn mình sau những chòm cây xanh ngắt, dõi mắt theo bóng dáng tiểu thư khuê các ẩn hiện sau hàng rào chè tàu được sắp thẳng tắp hoặc thơ thẩn dưới những giàn hoa màu tím, màu xanh thiên lý...". Đó chính là hồn đất hồn người đã tạo nên những lời thơ tuyệt vời của Hàn Mạc Tử:
"Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?".
Thực ra, cảnh sắc xanh ngọc, yên bình của Vỹ Dạ may ra còn gặp ở khu cồn Hến nổi giữa sông Hương. Hòn đảo vốn là yếu tố "tả thanh long" phong thủy kinh thành này rộng hơn 20ha, dài hơn cây số chạy suốt chiều dài thôn Vỹ, chứa trên mình hơn 1.000 nóc nhà, chủ yếu lụp xụp nép dưới cây xanh. Đầu phía đập Đá, ngay trung tâm TP Huế nhà cửa có đông đúc. Còn phần phía hạ lưu dân cư thưa vắng, vườn tược rộng rãi, có nhiều đất bãi để vun xới bầu bí, gieo trỉa "bắp lay"...
Theo ông Phương, sở dĩ nhà cửa khu vực cồn Hến ít xây dựng, cảnh quan ít thay đổi bởi vướng Quy hoạch khu dịch vụ cao cấp nghỉ dưỡng cồn Hến do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt từ năm 2005. Nếu không cảnh quan cũng "xong" lâu rồi.
Thôn Vỹ nương theo dòng Hương xanh biếc - Ảnh: VĂN ĐÌNH HUY
Đất vương giả - đất thi ca
Ở Huế có khá nhiều tuyến đường tập trung những phủ đệ của các ông hoàng bà chúa, hay dinh thự của các quan lại quyền cao chức trọng thời vương quyền. Tuy nhiên, rẻo đất Vỹ Dạ phía đông, bên kia sông Hương xôm tụ hơn cả. Có thể kể phủ của ba vị con trai Thế tổ Gia Long là Định Viễn quận vương (con trai thứ 6), Quảng Uy công (con trai thứ 10) và An Khánh vương (con trai thứ 12) cùng nhiều dinh thự con cháu các vị này.
Đặc biệt nổi bật là phủ Tuy Lý vương - Nguyễn Phúc Miên Trinh, con trai thứ 11 của Thánh tổ Minh Mạng. Tuyến đường cũng có nhiều dinh thự của các bậc quyền quý dòng Tôn Thất, các quan đại thần hay danh gia vọng tộc Nguyễn Khoa...
Với cái tên Vỹ Dạ, rất có thể điểm xuất phát của nó có liên quan đến văn thơ. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng người Huế đọc "trại" Vỹ Dạ từ cái tên Vy Dã ban đầu. Rằng, người con thứ 11 của Thánh tổ Minh Mạng là Tuy Lý vương Nguyễn Phúc Miên Trinh, chọn đất thơ này khi còn là "vy dã" (tạm hiểu là cánh đồng lau lách mọc đầy) ven sông Hương để lập phủ.
Vị thân vương là nhà thơ lớn, nổi tiếng, nằm trong bộ tứ "Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán/Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh đường" (tạm hiểu: so văn Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát thì thời Tiền Hán không là gì cả; so thơ Tùng Thiện vương, Tuy Lý vương đến Đường thi cũng chẳng là gì). Biệt hiệu Vy Dã lão nhân của vị thân vương/thi nhân khởi sự từ đó.
Dân gian vùng Huế lại có cách giải thích nôm na, thậm chí "tếu táo". Chủ tịch UBND phường nói luôn: cái tên Vỹ Dạ xuất phát từ sự hưng thịnh văn chương thơ phú của rẻo đất. Kèm giải thích: vỹ là cái đuôi (của loài vật), dạ là đêm, vỹ dạ là cuối đêm rạng sáng. Thôn Vỹ là nơi các tao nhân mặc khách, ông hoàng bà chúa "đầy túi" thơ ca, thường tổ chức những cuộc giao du đàn ca xướng hát thâu đêm...
Cách hiểu nôm na không phải không có lý do, bởi không chỉ có nhà thơ lớn Tuy Lý vương Miên Trinh, kể từ thời cận đại đến nay, vùng đất được tiếng thịnh vượng văn chương nghệ thuật này sản sinh và tụ hội biết bao tao nhân mặc khách, tên tuổi nổi tiếng…
Vỹ Dạ nên thơ với Hàn Mạc Tử
"Sao anh không về chơi thôn Vỹ?... Dẫu đấy chỉ là một lời mời, một câu hỏi hay lời trách móc đầy tự tình thầm lặng của người con gái Huế thì thơ Hàn Mạc Tử và bóng dáng Hoàng Cúc cũng đã làm cho Vỹ Dạ trở thành chốn không quên và Huế thành nơi để nhớ đời như lầu Hoàng Hạc, chùa Hàn Sơn, hồ Leman, cầu Mirabeau... gắn liền với địa danh và tên tuổi của Thôi Hiệu, Trương Kế, Lamartine, Appolinaire..." –
TRẦN KIÊM ĐOÀN